Tại sao dịch sởi bùng phát cả nước?
Bệnh sởi vào chu kỳ dịch 5 năm một lần, tiêm vaccine chậm hơn tốc độ lây lan và tình trạng “anti vaccine” khiến dịch bùng phát cả nước.
Chiều 15/3/2025, Bộ Y tế họp trực tuyến với các địa phương về phòng chống dịch sởi, trong bối cảnh bệnh đang gia tăng trên cả nước. Từ đầu năm đến nay ghi nhận khoảng 40.000 ca nghi sởi và 5 ca tử vong liên quan đến sởi. [Theo vnexpress].
1. Tổng quan bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh sởi chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và những người chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi. Sởi gây ra bởi virus sởi (virus Morbili họ Paramyxoviridae), có khả năng lây lan nhanh chóng, tạo thành dịch bệnh nếu không có biện pháp phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em và kiểm soát phù hợp. Virus sởi có thể tồn tại khoảng 2 giờ ở môi trường bên ngoài, xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh thông qua niêm mạc đường hô hấp.
Do đó, trẻ có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với các giọt bắn có chứa virus sởi trong không khí được phát tán ra môi trường khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện hoặc tiếp xúc với các bề mặt chứa virus rồi đưa tay lên vùng mặt. Đặc biệt, nếu trẻ tiếp xúc gần với người bị bệnh sởi mà chưa được tiêm đủ mũi vaccine ngừa sởi, nguy cơ nhiễm bệnh lên tới hơn 90%. Tại Việt Nam, bệnh có thể diễn ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, thường gặp nhất là vào lúc giao mùa Đông – Xuân. Dịch bệnh sởi mang tính chu kỳ 4 – 5 năm/lần.
Thông thường, trong khoảng 12 – 14 ngày sau khi nhiễm virus sởi, trẻ không có biểu hiện bất thường hoặc biểu hiện bệnh chưa rõ ràng. Tiếp đó, trẻ bắt đầu có các triệu chứng viêm long đường hô hấp (đau họng, ho, chảy nước mũi), sốt, viêm kết mạc (đỏ mắt, chảy nước mắt), sưng hạch ngoại biên, biếng ăn và có thể tiêu chảy. Sau khoảng 2 ngày sốt cao, các hạt Koplik xuất hiện bên trong niêm mạc miệng của trẻ.
Trong khoảng 4 – 6 ngày tiếp theo, trẻ sốt cao và phát ban đỏ ở khắp cơ thể, lần lượt theo thứ tự sau tai, gáy, trán, cổ, thân mình, ngực, lưng, tay, chân, lòng bàn tay và bàn chân. Khi ban sởi đã lan rộng toàn thân, trẻ dần hạ sốt. Trẻ hết sốt, ban sẽ bay đi. Khoảng ngày thứ 6 khi trẻ hết sốt, ban đỏ chuyển dần sang màu xám, bong vảy biến mất. Vùng da phát ban sẽ có vết thâm “vằn hổ”, cần một thời gian để da trẻ trở lại bình thường.
Tuy nhiên, nếu ban bay đi nhưng trẻ vẫn sốt cao, trẻ có thể đang gặp biến chứng của sởi ở trẻ. Một số biến chứng thường gặp như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, loét giác mạc, cảm tẩu mã, lao tiềm ẩn, viêm não… thậm chí gây tử vong. Trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng, chưa được tiêm đủ mũi vaccine ngừa sởi là đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng.
Ngoài ra, virus sởi có thể xóa trí nhớ miễn dịch của trẻ. Lượng kháng thể chống lại các bệnh lý khác được tích lũy trước đó thông qua tiêm vaccine và những lần nhiễm bệnh có thể suy giảm 20 – 70%. Điều này khiến trẻ sau hết bệnh sởi có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm khác cao hơn.
2. Cách phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em
Phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em là điều vô cùng cần thiết trong chăm sóc trẻ. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em hiệu quả bố mẹ nên biết:
– Tiêm vaccine ngừa bệnh sởi ở trẻ em
Tiêm vaccine ngừa sởi đủ mũi và đúng lịch là cách phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em có hiệu quả lên đến 97%. Tùy vào độ tuổi và nhu cầu, bố mẹ có thể cho trẻ tiêm vaccine ngừa sởi đơn như, MVVac (Việt Nam) hoặc vaccine phối hợp như Priorix (Bỉ), MMR II ( Mỹ) phòng ngừa 3 bệnh sởi, quai bị và rubella.
– Rửa tay thường xuyên
Tạo cho trẻ thói quen rửa thay thường xuyên với xà phòng khử khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi và đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh. Thói quen này sẽ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh khi trẻ tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng có virus sởi.
Bên cạnh đó, trẻ cần được tắm rửa mỗi ngày, thường xuyên súc miệng và vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý. Điều này giúp tăng đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
– Giữ vệ sinh nhà cửa
Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, tạo không gian sống thông thoáng, sạch sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh, từ đó, bảo vệ trẻ tốt hơn. Đối với các vật dụng cá nhân như chăn gối, ga trải giường… cần được giặt giũ định kỳ.
– Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh
Sự lây lan của virus sởi có thể bắt đầu trước khi trẻ phát ban khoảng 4 ngày và kéo dài cho đến 4 ngày sau khi phát ban. Do vậy, để phòng tránh bệnh sởi ở trẻ nhỏ, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang bị sởi hoặc đang có dấu hiệu mắc bệnh sởi. Trường hợp bắt buộc, cần cho trẻ đeo khẩu trang kháng khuẩn trước khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên và hạn chế thời gian tiếp xúc với người đang mắc bệnh/có nguy cơ mắc bệnh.
Nếu trong gia đình đang có người mắc bệnh sởi, cần cách ly người bệnh với trẻ. Trẻ đang bị sởi nên cách ly tại nhà, thông báo cho nhà trường và tạm cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà nhằm hạn chế sự lây lan.
– Tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng
Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học giúp trẻ tăng đề kháng, phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Bên cạnh chế độ ăn có đủ bốn nhóm dưỡng chất thiết yếu (chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất), bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, khoai lang, rau xanh… Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Ngoài ra, trẻ cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và căng thẳng.
Các thực phẩm không lành mạnh, đồ chiên rán, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, nước ngọt có màu sắc và hương vị cuốn hút nhưng lại là những thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Do đó, bố mẹ nên tránh cho trẻ ăn những thực phẩm này.
3. Chăm sóc trẻ bị sởi:
- Cho trẻ cách ly, tránh nơi đông người: từ lúc nghi sởi đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.
- Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ.
- Cho trẻ nằm phòng sạch sẽ, thoáng khí, vệ sinh môi trường xung quanh.
- Tránh để mắt của trẻ tiếp xúc với ánh sáng mạnh khi mắt trẻ đỏ, ra nhiều gỉ mắt vì lúc này mắt trẻ rất nhạy cảm với ánh sáng, đau nhức.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc.
- Duy trì vệ sinh cá nhận sạch sẽ: Súc miệng, vệ sinh răng miệng hàng ngày. Nhỏ mũi, mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý 3-4 lần/ ngày (Tránh tối đa việc dụi mắt mũi). Vệ sinh cho trẻ rất quan trọng, trẻ cần được tắm nhẹ nhàng, dùng khăn mềm, sạch, tắm bằng nước ấm và xà phòng kháng khuẩn (Tránh tập tục kiêng nước, không tắm lá, đắp thuốc…để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng thêm cho trẻ).
- Mặc quần áo rộng thoáng, mềm mại, thấm hút mồ hôi để tạo cảm giác thoải mái cho trẻ.
- Khi bị sởi trẻ thường mệt mỏi trẻ có thể ăn kém do đó nên chia nhỏ bữa cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Thực hiện chế độ ăn khoa học, đủ chất, tăng cường vitamin và khoáng chất (đặc biệt thức ăn giàu protein , vitamin A, C).
- Theo dõi thân nhiệt của trẻ 4 giờ/ lần. Chườm ấm khi trẻ sốt nhẹ. Khi trẻ sốt >=38.5 độ cha mẹ chườm ấm cho trẻ ở các vị trí trán, nách, bẹn kết hợp dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều 10-15mg/kg (cách nhau mỗi 4-6 giờ). Có thể kết hợp với ibuprofen liều 5-10mg/kg (cách nhau mỗi 6-8 giờ). Cho trẻ uống đủ nước, uống oresol, hoặc nước ép hoa quả.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Bổ sung vitamin A theo hướng dẫn của bác sĩ.